Buổi làm việc, trao đổi về một số vấn đề định hướng sửa đổi Nghị định số 08/2020/NĐ-CP

Thứ bảy, 20/07/2024, 17:00 GMT+7

Vào chiều ngày 20/7/2024, trong khuôn khổ diễn ra các sự kiện nhằm chào mừng Kỉ niệm 15 năm hình thành và phát triển Thừa phát lại Việt Nam, Ban liên lạc Thừa phát lại Việt Nam phối hợp cùng Bộ Tư pháp đã tổ chức “Buổi làm việc, trao đổi về một số vấn đề định hướng sửa đổi Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại”.

Buổi làm việc có sự tham gia của ông Mai Lương Khôi - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Lê Xuân Hồng – Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, ông Nguyễn Đức Chính – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Lê Mạnh Hùng – Trưởng Ban liên lạc Thừa phát lại Việt Nam và các Thừa phát lại trên cả nước.

Ông Mai Lương Khôi - Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu

Ông Lê Xuân Hồng – Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp phát biểu

Với mục đích trao đổi, phân tích các vấn đề nhằm định hướng sửa đổi Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại, tọa đàm đã trao đổi một số nội dung như:

- Kết quả hoạt động của Thừa phát lại theo Báo cáo sơ kết ba năm thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP tính đến ngày 31/3/2024 có một số điểm nổi bật như sau: số lượng Thừa phát lại hành nghề là 417 Thừa phát lại; 181 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập trên 48 tỉnh, thành phố trên cả nước; số lượng văn bản tống đạt được là trên 2.500.000 văn bản; số lượng Vi bằng được lập là trên 270.000 Vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án là 17 việc; trực tiếp tổ chức thi hành án là 01 vụ việc; doanh thu đạt khoảng 470 tỷ đồng.

- Các hạn chế, bất cập được các đại biểu trao đổi, thảo luận như:

  • Hoạt động Thừa phát lại chưa phát triển đồng đều ở các địa phương cũng như ở các hoạt động, nhiệm vụ của Thừa phát lại, hiện nay tập trung chủ yếu vào hoạt động lập Vi bằng và hoạt động tống đạt văn bản.
  • Một bộ phận ít Thừa phát lại vẫn còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ.
  • Các quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động Thừa phát lại chưa đầy đủ, chưa cụ thể gây khó khăn trong hành nghề thực tiễn của Thừa phát lại.
  • Từ báo cáo trên, các đại biểu tham gia buổi tọa đàm đã có những ý kiến, trao đổi tích cực, góp ý xây dựng nhằm phát triển hơn nữa hoạt động Thừa phát lại, định hướng sửa đổi Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, tạo cơ sở hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động nghề nghiệp của Thừa phát lại.

Một số hình ảnh từ Buổi làm việc được phóng viên SBO ghi lại:

Ông Nguyễn Tiến Pháp - Phó Chủ tịch kiêm Thư ký Hội Thừa phát lại Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn phát biểu

Bảo Hân, Phan Như

Bạn cần tư vấn?

Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!