VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI SÀI GÒN (SBO)
- 24 (Tầng trệt) Khổng Tử, Phường Bình Thọ, TP. Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh
- 0834 112 115 - 0989 113 216
- [email protected]
Sáng ngày 23/4/2025, Học viện Tư pháp cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội Thừa phát lại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “GÓP Ý HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THỪA PHÁT LẠI TẠI VIỆT NAM”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều Thừa phát lại đang hành nghề trên cả nước, các chuyên gia pháp lý và đại diện cơ quan thi hành án dân sự thông qua hai hình thức: trực tiếp và trực tuyến.
Những tham luận mà các chuyên gia mang đến để trao đổi trong hội thảo lần này rất thiết thực, gắn liền với thực tiễn hành nghề, nêu bật những hạn chế, khó khăn của hoạt động Thừa phát lại; từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị để hoàn thiện hơn về thể chế, hoạt động quản lý nhà nước về Thừa phát lại cũng như hành lang pháp lý trong các hoạt động tổ chức thi hành án dân sự, hoạt động tống đạt và hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại.
Phó giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Trường Thiệp phát biểu khai mạc hội thảo
Toàn cảnh buổi hội thảo tại hội trường của Học viện Tư pháp cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh
Theo bài tham luận của ThS. Nguyễn Tiến Pháp, Phó Chủ tịch Hội Thừa phát lại Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn “Hoạt động tống đạt, lập vi bằng của Thừa phát lại – Một số đề xuất và kiến nghị”, hiện nay cơ chế thực thi hoạt động tống đạt và lập vi bằng của Thừa phát lại theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP bộc lộ nhiều điểm hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với sự phát triển và thay đổi của kinh tế - xã hội, do đó cần có những sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Về hoạt động lập vi bằng, ThS. Nguyễn Tiến Pháp đưa ra một số đề xuất về: giá trị pháp lý của Vi bằng; thẩm quyền lập vi bằng của Thừa phát đối với “hành vi thi hành công vụ”; xây dựng hệ thống các nguyên tắc về tổ chức và hành nghề Thừa phát lại;…
Về hoạt động tống đạt, những bất cập về thẩm quyền tống đạt, chi phí tống đạt và việc tống đạt trong tố tụng trọng tài thương mại cũng được ThS. Nguyễn Tiến Pháp mang đến trao đổi trong tham luận khoa học lần này.
Bên cạnh đó, một đề xuất mang tính thời sự cũng được ThS. Nguyễn Tiến Pháp nêu ra tại hội thảo liên quan đến việc “Cần đăng ký vi bằng online trong bối cảnh sáp nhập tỉnh, thành”.
Với thủ tục đăng ký vi bằng hiện nay theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, thì các Văn phòng Thừa phát lại đang mất rất nhiều công sức để thực hiện thủ tục đăng ký này. Sau mỗi lần lập vi bằng thì phải đến Sở Tư pháp để nộp hồ sơ đăng ký vi bằng trong thời hạn theo quy định. Trong khi sắp tới đây sáp nhập các tỉnh, thành thì chắc chắn mỗi Văn phòng Thừa phát lại khi đi đăng ký vi bằng sẽ phải vất vả hơn rất nhiều khi quãng đường di chuyển xa hơn.
Theo số liệu thống kê, trung bình một ngày công chức tại Sở Tư pháp TP.HCM tiếp nhận, đăng ký vào sổ khoảng 200-300 vi bằng; Sở Tư pháp TP Hà Nội trung bình một ngày tiếp nhận, đăng ký vào sổ khoảng 150 vi bằng... chưa kể đến các Sở Tư pháp phải bỏ chi phí để quản lý, lưu trữ các vi bằng này.
Do đó, yêu cầu cấp bách và ưu tiên sắp tới là cơ quan có thẩm quyền xem xét cho phép thực hiện đăng ký vi bằng online để tiết kiệm thời gian, công sức cũng như giảm tải áp lực công việc cho công chức của các Sở Tư pháp.
ThS. Nguyễn Tiến Pháp, Phó Chủ tịch Hội Thừa phát lại Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn, phát biểu tại hội thảo
Phan Như
Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!