TỐNG ĐẠT VĂN BẢN TỐ TỤNG, THI HÀNH ÁN

Thứ ba, 07/09/2021, 09:56 GMT+7

I. Chức năng, nhiệm vụ tống đạt của Thừa phát lại

Theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP Về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại do Chính phủ ban hành ngày 08/01/2020, thì “tống đạt” thuộc một trong bốn nhóm công việc mà Thừa phát lại được phép làm. “Tống đạt” là việc giao thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan. Nhằm hướng đến mục tiêu xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp, công việc tống đạt văn bản đã và đang là một hoạt động hỗ trợ tích cực của các Văn phòng Thừa phát lại đối với ngành Tòa án, Viện kiểm sát và Thi hành án dân sự nhà nước.

Ở mảng công việc này, các nhân viên của Văn phòng Thừa phát lại là người thừa hành quyền lực công tiến hành giao các thông báo, giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan Thi hành án dân sự đến các đương sự theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định. Từ đó, giảm thiểu số lượng công việc cần phải xử lý của ba cơ quan này, nhằm tạo điều kiện để các cán bộ, công chức có thời gian tập trung vào công tác chuyên môn xét xử hay thi hành án tại trụ sở cơ quan của mình.

II. Thẩm quyền, phạm vi tống đạt

- Về thẩm quyền, Thừa phát lại thực hiện tống đạt các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu sau đây:

+ Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự;

+ Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

- Về phạm vi tống đạt, Thừa phát lại được quyền tống đạt các thông báo, giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan Thi hành án dân sự trong phạm vi tỉnh, thành phố nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở. Trường hợp tống đạt ngoài địa bàn cấp tỉnh hoặc ở vùng đảo, quần đảo ngoài địa bàn cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở, thì Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận với Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự bằng hợp đồng riêng cho từng việc cụ thể.

Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh được quyền thỏa thuận để tống đạt văn bản của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các Tòa án nhân dân quận, huyện, Thành phố Thủ Đức; Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện, Thành phố Thủ Đức; Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh và các Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện, Thành phố Thủ Đức. Theo quy định hiện nay, mỗi Văn phòng Thừa phát lại được quyền thực hiện tống đạt văn bản cho nhiều Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan Thi hành án dân sự khác nhau trong cùng phạm vi địa hạt tỉnh, thành phố nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.

III. Số liệu thống kê

Theo thống kê, mỗi năm Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn tiến hành tống đạt số lượng các văn bản cho Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự như sau:

Tòa án nhân dân Quận Thủ Đức cũ: khoảng 9000 văn bản;

Tòa án nhân dân Quận 9 cũ: khoảng 6500 văn bản;

Chi cục Thi hành án dân sự Quận Thủ Đức cũ: khoảng 1500 văn bản.

IV. Nhân sự

Hiện nay, số lượng nhân sự thực hiện công tác tống đạt văn bản tại Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn như sau:

- Số lượng Thừa phát lại bao gồm: 02 (hai) người;

- Số lượng Thư ký nghiệp vụ bao gồm: 07 (bảy) người.

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: 09 (chín) cử nhân Luật.

V. Ý nghĩa của công việc này

Hiện nay, công việc tống đạt văn bản của Thừa phát lại đã và đang góp phần giảm tải tối đa số lượng công việc tại các Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan Thi hành án dân sự, nhằm tạo điều kiện để các cán bộ, công chức có thời gian tập trung vào công tác chuyên môn của mình, từ đó giúp nâng cao hiệu quả xét xử và thi hành án trong thực tiễn. Bên cạnh đó, việc tống đạt của Thừa phát lại còn đảm bảo cho đương sự có thể nhận được các thông báo, giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan Thi hành án dân sự gửi đến theo đúng địa chỉ và đúng thời hạn theo quy định, từ đó các đương sự có thể theo dõi vụ việc, thực hiện đầy đủ nội dung theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhằm bảo đảm tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ việc tranh chấp phát sinh.

Ngoài ra, việc tống đạt văn bản theo đúng trình tự, thủ tục luật định của Thừa phát lại còn giúp cho các Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan Thi hành án dân sự có thể hoàn thiện hơn về mặt thủ tục tố tụng trong công tác xét xử và thi hành án, nhằm giảm thiểu các sai sót, vi phạm về thủ tục tố tụng dẫn đến hệ quả đáng tiếc sẽ xảy ra.

Bạn cần tư vấn?

Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!