Cho mượn tiền bằng lời nói nhưng bên mượn phủ nhận, không chịu trả thì đòi được không?

Thứ ba, 11/07/2023, 09:59 GMT+7

     Cho mượn tiền bằng lời nói nhưng bên mượn phủ nhận việc mượn tiền không chịu trả thì có đòi được không? Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn xin giải đáp câu hỏi này như sau:

     1. Cho mượn tiền bằng lời nói vẫn đòi lại được khoản tiền đã cho mượn

     Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

     Khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

     Căn cứ các quy định nêu trên và pháp luật hiện hành, việc mượn tiền không bắt buộc phải lập thành văn bản. Do đó, việc mượn tiền chỉ bằng lời nói vẫn có giá trị pháp lý, hai bên phải thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.

     Trong trường hợp này nếu người mượn tiền không trả tiền, chối bỏ việc mượn tiền, người cho mượn tiền có thể khởi kiện ra cơ quan Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, để Tòa án thụ lý và giải quyết vụ việc thì việc thu thập chứng cứ để nộp cho Tòa án là điều vô cùng quan trọng để chứng minh rằng giao dịch mượn tiền có xảy ra.

     2. Nghĩa vụ của bên cho vay tiền và bên vay tiền

     Điều 465. Nghĩa vụ của bên cho vay - Bộ luật Dân sự năm 2015

“1. Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận.

2. Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó.

3. Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 470 của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan quy định khác.”

     Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay - Bộ luật Dân sự năm 2015

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

     3. Thu thập đầy đủ thông tin để chứng minh có việc mượn tiền bằng lời nói

     Vì bên mượn tiền trở mặt và cho rằng mình không có mượn tiền nên người cho mượn tiền phải chứng minh với tòa án là có việc cho mượn tiền xảy ra. Trường hợp này người cho mượn tiền có thể ghi âm, quay phim lại việc bên mượn tiền đã xác nhận mình đã mượn tiền, tin nhắn lúc bên mượn tiền nhắn tin để mượn tiền, những tin nhắn và lời nói hứa hẹn thời gian trả tiền (nhằm xác định rằng có việc mượn tiền, số tiền cho mượn và vẫn chưa trả tiền, thời gian hẹn trả tiền,...), người làm chứng cho việc giao dịch mượn tiền, xác định giao dịch có xảy ra cũng là nguồn thông tin vô cùng quan trọng, tuy nhiên, người làm chứng không đáng tin cậy sẽ có rủi ro, như “con dao hai lưỡi” có thể làm chứng và cũng có phể phủ nhận việc làm chứng do họ sợ bị phiền phức hoặc bị “tác động” từ bên mượn tiền.

     4. Lập vi bằng làm chứng cứ nộp tòa án tiến hành khởi kiện

     Với tình huống trên chúng ta nên liên hệ Thừa phát lại để lập vi bằng về các thông tin ở mục 3. Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập có giá trị là nguồn chứng cứ để người cho mượn tiền cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thực hiện đòi lại tiền.

     Như vậy, việc cho mượn tiền bằng lời nói có thể đòi lại được nhưng sẽ có rất nhiều rủi ro cho bên cho mượn. Bởi thực tế nhiều trường hợp vay tiền giữa người thân, người quen nên các bên vay tiền chỉ giao kết bằng lời nói, đến khi bên vay cố tình chây ì, cứ hứa lần lượt hết lần này đến lần khác mà không chịu trả nợ, nhiều trường hợp bên cho vay không còn căn cứ để đòi lại khoản tiền đó. Vì vậy, để tránh những rủi ro, tranh chấp không đáng có, khi giao kết hợp đồng vay tiền bằng miệng cần lưu ý những vấn đề sau đây:

     - Cần người làm chứng, tốt nhất là yêu cầu Thừa phát lại đến chứng kiến giao dịch này, Thừa phát lại sẽ lập vi bằng, Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập ghi nhận hành vi cho mượn tiền, Vi bằng có thể đính kèm hình ảnh, video ghi hình và hợp đồng vay tiền giữa các bên; trong hợp đồng vay tiền có ghi cụ thể thời gian, địa điểm, thông tin bên cho vay tiền và bên vay tiền, số tiền cho vay, thời gian vay, lãi suất, quyền và nghĩa vụ giữa các bên,...

     Khi cần yêu cầu lập vi bằng thì các bạn nên tìm cho mình Văn phòng Thừa phát lại uy tín, chuyên nghiệp, được khách hàng và giới chuyên gia đánh giá tốt. Các bạn có thể tham khảo Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn (địa chỉ 24 Khổng Tử, Bình Thọ, Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, hotline 0834 112 115), đây là nơi chuyên lập vi bằng tạo lập chứng cứ uy tín, chuyên nghiệp.

     - Nếu không thể thực hiện được phương án trên vì nguyên nhân nào đó như do nể nang, sợ mất lòng, sợ người thân buồn thì khi cho mượn tiền người cho mượn tiền cần thu thập càng nhiều bằng chứng càng tốt như ghi âm, ghi hình, xác nhận qua tin nhắn, chuyển tiền qua ngân hàng,... để khi xảy ra tranh chấp thì đây sẽ là những bằng chứng quý giá để tòa án xét xử.

Nguyễn Tiến

Bạn cần tư vấn?

Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!