Hỏi đáp về Vi bằng hứa thưởng - cách để xác nhận thỏa thuận trích thưởng giữa hai bên hoặc có cơ sở để đảm bảo quyền lợi của mình

Thứ năm, 24/04/2025, 10:38 GMT+7

Bạn đọc Lê Thị B H, sống tại Bình Thạnh có gửi đến Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn tình huống cần tư vấn như sau: "Tôi có nhận thực hiện công việc theo ủy quyền của một người khác. Theo thỏa thuận của hai bên thì sau khi hoàn thành công việc, bên kia sẽ trích cho tôi một khoản tiền thưởng. Vậy làm cách nào để xác nhận thỏa thuận trích thưởng này giữa hai bên hoặc có cơ sở bằng chứng nào đó để sau này nếu bên kia lật lọng không trả tiền thì tôi có chứng cứ để đảm bảo quyền lợi của mình, tôi rất mong nhận được tư vấn từ Văn phòng?"

Về nội dung này, Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn giải đáp như sau:

Thỏa thuận trích thưởng/hứa thưởng là một dạng thỏa thuận nhằm khuyến khích các bên trong giao dịch dân sự đạt được một mục tiêu nào đó trong tương lai. Trong đó, một bên được gọi là Bên trích thưởng/hứa thưởng và một bên được gọi là Bên nhận trích thưởng/hứa thưởng, nội dung thỏa thuận giữa hai bên thường bao gồm những điều khoản về: nội dung, phạm vi công việc cần thực hiện; thời gian thực hiện công việc; số tiền trích thưởng; thời hạn và phương thức thanh toán tiền thưởng; quyền và nghĩa vụ của hai bên; điều khoản phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại;..…

Trong tình huống trên, bạn Lê Thị B H được xem là bên nhận trích thưởng và được giao thực hiện công việc theo sự chỉ định, ủy quyền của bên trích thưởng. Như vậy để có cơ sở chứng minh thỏa thuận giữa hai bên là có thật và đảm bảo quyền lợi của cả hai bên, bạn B H có thể yêu cầu Thừa phát lại lập Vi bằng ghi nhận buổi làm việc giữa hai bên nhằm thống nhất các nội dung thỏa thuận về việc giao việc và trích thưởng sau khi thực hiện xong công việc. Việc lập Vi bằng này vừa giúp làm tăng trách nhiệm của hai bên khi thực hiện công việc, vừa tạo lập chứng cứ để phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Giá trị pháp lý của Vi bằng:

Khoản 3 Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định như sau: “Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật”.

Vi bằng ghi nhận buổi làm việc, buổi họp có giá trị là nguồn chứng cứ, chứng minh sự kiện, hành vi diễn ra trên thực tế của các bên tại thời điểm lập vi bằng; nội dung bao gồm những thông tin cơ bản như: thời gian, địa điểm làm việc, thông tin nhân thân của các bên tham gia, biên bản làm việc hoặc văn bản thỏa thuận được các bên ký tên, kèm theo Vi bằng thường sẽ có thêm đĩa vi tính chứa hình ảnh, video quay lại quá trình các bên thỏa thuận, trao đổi. Thừa phát lại lập vi bằng theo trình tự, thủ tục luật định; nội dung Vi bằng phải đảm bảo tính “khách quan”, “trung thực”; sau khi lập xong thì phải vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp nên đảm bảo tính “hợp pháp”.

Nếu có bất kì thắc mắc nào cần được hỗ trợ liên quan đến Vi bằng, Quý khách hãy liên hệ ngay với Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn qua các kênh:

Hotline: 0834.112.115

Email: [email protected]

Website: thuaphatlaisaigon.vn

Facebook: facebook.com/vanphongthuaphatlai

Hoặc đến trực tiếp Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn tại địa chỉ 24 Khổng Tử, Phường Bình Thọ, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham khảo thêm tại:

https://thuaphatlaisaigon.vn/vi-bang-buoi-lam-viec-buoi-hop.html

Phan Như

Bạn cần tư vấn?

Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!