VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI SÀI GÒN (SBO)
- 24 (Tầng trệt) Khổng Tử, Phường Bình Thọ, TP. Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh
- 0834 112 115 - 0989 113 216
- [email protected]
Tại Phiên họp ngày 21/6/2025, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến đối với 02 dự án luật và 06 hồ sơ chính sách xây dựng luật, trong đó gồm Dự án Luật Thi hành án dân sự (thay thế). Kết quả của phiên họp được thể hiện tại Nghị quyết số 191/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26/6/2025 với các nội dung liên quan đến lĩnh vực “Thừa phát lại” như sau:
1. Nghị quyết 191/NQ-CP nhấn mạnh sự cần thiết thay thế toàn diện Luật Thi hành án dân sự cũ, cam kết đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong trong quản lý nhà nước về hoạt động thi hành án dân sự, gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát; cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước và tổ chức thi hành án dân sự, bảo đảm công khai, minh bạch; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thi hành án dân sự.
2. Nghị quyết 191/NQ-CP thể hiện việc Chính phủ đồng thuận đổi tên “Văn phòng Thừa phát lại” thành “Văn phòng thi hành án dân sự” và “Thừa phát lại” thành “Thừa hành viên” để phù hợp với phạm vi, tính chất hoạt động của tổ chức này tại dự thảo Luật, bảo đảm thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác thi hành án dân sự.
3. Nghị quyết 191/NQ-CP yêu cầu Bộ Tư pháp nghiên cứu, quy định rõ trách nhiệm của Văn phòng thi hành án dân sự, Thừa hành viên, bảo đảm thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác thi hành án dân sự theo tinh thần đã trao quyền thì cần trao công cụ để thực hiện; tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhần dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành liên quan để quy định đầy đủ điều kiện, cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động thi hành án dân sự do Văn phòng thi hành án dân sự, Thừa hành viên thực hiện, bao gồm cả biện pháp cưỡng chế thi hành án bảo đảm tăng cường tính pháp chế, tính nghiêm minh của pháp luật, thực hiện có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tồ chức và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thi hành án dân sự.
Nghị quyết 191/NQ-CP là cột mốc pháp lý quan trọng, thúc đẩy việc hoàn thiện Luật Thi hành án dân sự nói chung và cơ chế Thừa phát lại (tương lai là Thừa hành viên) nói riêng. Việc thay đổi tên gọi từ “Thừa phát lại” thành “Thừa hành viên” giúp nghề Thừa phát lại được luật hóa một cách rõ ràng hơn, khẳng định vai trò pháp lý trong hệ thống tư pháp nói chung và trong hoạt động thi hành án dân sự nói riêng; mở ra cơ hội nghề nghiệp rõ ràng hơn, chuyên nghiệp hơn, trách nhiệm xã hội lớn hơn. Từ đó cũng tạo ra không ít thách thức cho đội ngũ Văn phòng Thừa phát lại, cá nhân Thừa phát lại đang hành nghề phải nhanh chóng cập nhật, thay đổi, học hỏi và trau dồi thêm kiến thức và kĩ năng nhằm khẳng định vị thế nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của xã hội, hoàn thành nhiệm vụ mà Nhà nước giao phó.
Xem chi tiết Nghị quyết tại đây
Phan Như
Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!