Thẩm quyền tống đạt của Thừa phát lại

Thứ ba, 18/07/2023, 08:24 GMT+7

Việc tống đạt các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu kịp thời, đúng thủ tục là yếu tố tiên quyết bảo đảm hiệu lực pháp lý của văn bản tố tụng, văn bản thi hành án dân sự, văn bản tương trợ tư pháp trong quá trình xét xử, thi hành án và các giao dịch dân sự khác, là cơ sở, tiền đề để các hoạt động khác được thực hiện đúng quy định pháp luật.

Để góp phần bảo đảm hiệu lực pháp lý của các văn bản tố tụng, văn bản thi hành án dân sự, văn bản tương trợ tư pháp, đồng thời để thực hiện việc xã hội hóa một số hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung, Thừa phát lại được giao chức năng tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

Điều 32 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, phạm vi tống đạt của Thừa phát lại như sau:

“1. Thừa phát lại thực hiện tống đạt các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu sau đây:

a) Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự;

b) Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

2. Trưởng Văn phòng Thừa phát lại có thể giao thư ký nghiệp vụ thực hiện việc tống đạt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận việc tống đạt phải do Thừa phát lại thực hiện.

3. Văn phòng Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức yêu cầu về việc tống đạt thiếu chính xác, không đúng thủ tục, không đúng thời hạn của mình; bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.”

Theo quy định thì người đi tống đạt có thể là thư ký nghiệp vụ (do Trưởng Văn phòng giao việc), trừ trường hợp các bên có thỏa thuận việc tống đạt phải do Thừa phát lại thực hiện. Quy trình, thủ tục tống đạt của Thừa phát lại phải đảm bảo tính chính xác và hợp lệ theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật liên quan khác.

Hình ảnh minh họa Thư ký nghiệp vụ Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn đang thực hiện công việc tống đạt

So với quy định trước đây tại Nghị định số 135/2013/NĐ-CP, thì hiện nay thẩm quyền tống đạt của Thừa phát lại tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP đã được mở rộng hơn nhằm bắt kịp với xu hướng phát triển của xã hội, cụ thể Thừa phát lại ngoài thẩm quyền tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự, thì còn được tống đạt các giấy tờ liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

Thừa phát lại tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở theo hợp đồng dịch vụ tống đạt được ký kết giữa Văn phòng Thừa phát lại với Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự. Ví dụ: Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn có trụ sở tại địa chỉ 24 Khổng Tử, Phường Bình Thọ, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, thì sẽ được ký hợp đồng dịch vụ và thực hiện tống đạt theo yêu cầu của các Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên trong một số trường hợp, Thừa phát lại cũng thực hiện tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự cho các đương sự ngoài địa bàn tỉnh, thành phố nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở. Đó là những trường hợp thuộc thẩm quyền xét xử hoặc thẩm quyền thi hành án của các cơ quan trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở, nhưng đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan lại cư trú, làm việc hoặc có tài sản ở địa bàn tỉnh khác; các trường hợp riêng biệt này sẽ được Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận với Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự bằng hợp đồng riêng cho từng việc cụ thể.

Bạn cần tư vấn?

Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!