Tòa án nhân dân TPHCM triển khai áp dụng tống đạt điện tử các văn bản tố tụng

Thứ tư, 16/08/2023, 09:47 GMT+7

Từ ngày 01/8/2023, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh triển khai áp dụng tống đạt điện tử các văn bản tố tụng

Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Luật Tố tụng Hành chính 2015 và Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã quy định về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử giữa tòa án, đương sự và người tham gia tố tụng khác. Cụ thể:

Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015: Điều 173. Các phương thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng:

“Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được thực hiện bằng các phương thức sau đây:

1. Cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc người thứ ba được ủy quyền thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo.

2. Cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử theo yêu cầu của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

3. Niêm yết công khai.

4. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

5. Cấp, tống đạt, thông báo bằng phương thức khác theo quy định tại Chương XXXVIII của Bộ luật này.”

Luật Tố tụng Hành chính 2015: Điều 102. Các phương thức cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng:

“1. Cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp; qua dịch vụ bưu chính hoặc người thứ ba được ủy quyền thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo.

2. Cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử theo yêu cầu của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

3. Niêm yết công khai.

4. Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

5. Cấp, tống đạt, thông báo bằng phương thức khác theo quy định tại Điều 303 của Luật này.”

Chiều ngày 27/7/2023, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Đề án tống đạt điện tử tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Lê Thanh Phong - Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thị Thùy Dung - Phó Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo các Tòa chuyên trách, Bộ phận và Tòa án nhân dân 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Ngoài ra, có sự tham gia của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội nghị triển khai thực hiện Đề án tống đạt điện tử tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố có số lượng án bằng 1/10 cả nước, do đó việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Hàng năm, khoản chi phí này ở các Tòa án đều cao hơn ngân sách cấp. Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thành phố có kinh tế năng động, phát triển nhất cả nước, các doanh nghiệp có trụ sở, văn phòng đại diện của công ty nước ngoài, đơn vị hành chính sự nghiệp và phần lớn công dân tại Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng các giao dịch điện tử thông qua hộp thư điện tử. Từ thực tiễn và nhu cầu khách quan về việc tống đạt cho các đương sự trong quá trình tham gia các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân Thành phố nhận thấy cần phương thức tống đạt mới thay thế phương thức cũ trong tình hình thiếu hụt nhân sự, Thư ký Tòa án.

Được sự chấp thuận của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án tống đạt điện tử từ năm 2021, áp dụng thử nghiệm, đến nay đã hoàn chỉnh đề án. Theo đó số liệu tổng hợp từ phần mềm tống đạt điện tử thử nghiệm, từ ngày 01/6/2023 đến ngày 24/7/2023, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công 162 lần gửi, tống đạt các văn bản tố tụng bằng phương thức này. Hầu hết các trường hợp đương sự đều nhận được văn bản và có phản hồi tích cực về phương thức tống đạt mới. Với kết quả đã đạt được, từ ngày 01/8/2023, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chính thức triển khai vận hành việc tống đạt qua phương tiện điện tử.

Điều kiện bắt buộc để áp dụng phương thức tống đạt các văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử là khi đương sự đồng ý và thể hiện qua đơn khởi kiện, đơn đề nghị hoặc văn bản ghi ý kiến. Khi đó, đương sự cung cấp địa chỉ e-mail, số điện thoại cho Tòa án.

Quy trình xử lý tống đạt điện tử

- Thư ký sẽ sử dụng e-mail do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp cho từng Thẩm phán, Thư ký để đăng nhập vào phần mềm quản lý tống đạt điện tử của Tòa án và nhập thông tin vụ, việc.

- Khi Tòa án có văn bản tống đạt cho đương sự thì phần mềm quản lý sẽ gửi tin nhắn có chứa mã OTP và đường link truy cập website của TAND TP.HCM để xem văn bản tố tụng đến số điện thoại di động và hộp thư điện tử của đương sự.

- Đương sự sẽ nhập mã OTP vào website của TAND TP.HCM để xem văn bản tống đạt. Khi đương sự nhập mã OTP vào xem thì phần mềm quản lý của Tòa án sẽ tự động hiển thị dòng trạng thái đương sự đã truy cập vào văn bản tống đạt và hiển thị biên bản tống đạt thành công. Đồng thời, phần mềm quản lý sẽ gửi vào e-mail của Thư ký biên bản tống đạt thành công, Thư ký in biên bản và lưu vào hồ sơ vụ án.

- Tuy nhiên, trong trường hợp đương sự đọc tin nhắn nhưng không nhập mã OTP vào website thì phần mềm sẽ tự động điện thoại nhắc. Sau khi đã được nhắc, nếu đương sự vẫn không nhập mã OTP vào website để nhận văn bản tống đạt của Tòa thì xem như phương thức tống đạt bằng phương tiện điện tử không thành công. Lúc này, Tòa án sẽ chuyển qua hình thức tống đạt truyền thống.

Minh Hải - Trang Thông tin điện tử Tòa án Nhân dân TPHCM

Bạn cần tư vấn?

Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!