VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI SÀI GÒN (SBO)
- 24 (Tầng trệt) Khổng Tử, Phường Bình Thọ, TP. Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh
- 0834 112 115 - 0989 113 216
- [email protected]
Vào ngày 08/01/2020, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, theo đó có một số quy định thay đổi so với Nghị định số 135/2013/NĐ-CP. Cụ thể về thủ tục lập vi bằng của Thừa phát lại được quy định tại Điều 39 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP có nhiều đổi mới so với thời điểm trước đây, trong đó điểm mới nổi bật phải kể đến đó là Khoản 4 Điều 39 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định về thủ tục hoàn thiện vi bằng liên quan đến Sở Tư pháp như sau:
“4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, Văn phòng Thừa phát lại phải gửi vi bằng, tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở để vào sổ đăng ký. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng.
Sở Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu về vi bằng; thực hiện đăng ký và quản lý cơ sở dữ liệu về vi bằng theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.”
Khác với quy định tại Khoản 9 Điều 2 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/10/2013 sửa đổi Khoản 5 Điều 26 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/7/2009 đó là:
“Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng Thừa phát lại. Sở Tư pháp có quyền từ chối đăng ký nếu phát hiện thấy việc lập vi bằng không đúng thẩm quyền, không thuộc phạm vi lập vi bằng theo quy định tại Điều 25 của Nghị định này; vi bằng không được gửi đúng thời hạn để đăng ký theo quy định tại khoản 4, Điều 26 của Nghị định này. Việc từ chối phải được thông báo ngay bằng văn bản cho Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu lập vi bằng trong đó nêu rõ lý do từ chối đăng ký.
Vi bằng được coi là hợp lệ khi được đăng ký tại Sở Tư pháp”.
Sự khác biệt về quy định pháp luật nêu trên nằm ở chỗ:
Theo quy định mới tại Khoản 4 Điều 39 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, Sở Tư pháp không còn thẩm quyền từ chối đăng ký vi bằng mà Thừa phát lại lập nữa, mà thủ tục gửi vi bằng đến Sở Tư pháp sau khi kết thúc việc lập vi bằng là để Sở Tư pháp tiếp nhận đăng ký, lưu trữ trong cơ sở dữ liệu về vi bằng của Bộ Tư pháp, tránh việc ngụy tạo chứng cứ, phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra khi cần thiết. Tuy nhiên, nếu Thừa phát lại lập vi bằng trái thẩm quyền, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra. Thật ra, nếu nói đây là quy định mới hoàn toàn thì cũng không đúng, bởi lẽ nội dung này đã từng được quy định tại Khoản 5 Điều 26 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP: “Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh phải vào sổ đăng ký vi bằng Thừa phát lại.” Tuy nhiên sau đó, Nghị định số 135/2013/NĐ-CP lại quy định Sở Tư pháp có quyền từ chối đăng ký vi bằng nếu phát hiện thấy việc lập vi bằng không đúng thẩm quyền, không thuộc phạm vi lập vi bằng theo quy định của pháp luật.
Quy định tại Khoản 4 Điều 39 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP tạo hành lang pháp lý, giúp Thừa phát lại nâng cao trách nhiệm, chuyên môn trong khi thực hiện công việc, đảm bảo tính độc lập, quyền và nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm về hành vi của Thừa phát lại trước pháp luật. Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập và Thừa phát lại là người sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung lẫn hình thức, cũng như tính chính xác của vi bằng do mình lập ra, đảm bảo tính độc lập, khách quan.
Kết luận:
Khi quy định về thủ tục đăng ký vi bằng tại Khoản 4 Điều 39 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP có hiệu lực và áp dụng thi hành, Thừa phát lại sẽ linh hoạt và chủ động hơn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, chịu trách nhiệm toàn bộ về nội dung và tính xác thực của sự kiện, hành vi mà mình ghi nhận trong vi bằng. Do đó, Văn phòng Thừa phát lại nói chung và các Thừa phát lại nói riêng phải luôn luôn trau dồi kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm cũng như nắm bắt kịp thời xu hướng và nhu cầu thực tế của người dân, nhằm bảo vệ một cách tối đa quyền lợi và đáp ứng nhanh chóng yêu cầu của khách hàng.
Để được tư vấn và hỗ trợ lập vi bằng mọi lúc mọi nơi, Quý khách có thể liên hệ với Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn qua các kênh:
Phan Như
Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!