Hình ảnh cá nhân bị xâm phạm? Cần làm gì?

Thứ tư, 17/05/2023, 14:46 GMT+7

     Hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet cũng như các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Instagram…, các thông tin được lan truyền và phổ biến tới mọi người một cách nhanh chóng và kịp thời hơn. Tuy nhiên, đây có thể là môi trường để diễn ra các hành vi vi phạm pháp luật, điều này lại tiềm ẩn một số các rủi ro tiêu cực mà chúng ta không thể lường trước hết được.

     Đối với hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân người khác một cách trái phép nhằm đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác,...là hành vi trái pháp luật, tùy từng trường hợp cụ thể, hành vi đó có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

     Như vậy nếu thực tế gặp phải tình huống hình ảnh cá nhân của mình bị sử dụng trái phép nhằm mục đích đăng tải thông tin sai sự thật, vu khống, ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của mình thì chúng ta cần phải làm gì? 

     Các quy định pháp luật liên quan đến quyền đối với hình ảnh cá nhân như sau:

+ Khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”

+ Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.”

+ Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định:

“3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.”

     Nếu sử dụng hình ảnh trái phép trên không gian mạng cùng với việc tung thông tin sai lệch làm nhục, vu khống người thì còn được xem là hành vi xâm phạm an ninh mạng quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật An ninh mạng năm 2018.

“3. Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm:

a) Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;

b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.”

     Khi bị sử dụng hình ảnh trái phép, các cá nhân cần nhanh chóng thu thập chứng cứ, lưu giữ hình ảnh, thông tin sai sự thật đó bằng cách yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng để làm bằng chứng khởi kiện ra Tòa án hoặc tố cáo ra cơ quan công an, nhằm yêu cầu xử lý những đối tượng đã có hành vi vi phạm pháp luật đó, đồng thời yêu cầu họ chấm dứt việc sử dụng hình ảnh trái phép, thu hồi các thông tin sai lệch về mình, công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại,… theo quy định của pháp luật.

Hình ảnh minh họa

     Giá trị pháp lý của Vi bằng

     Theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận những sự kiện, hành vi có thật diễn ra trên thực tế theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Vi bằng có giá trị là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

     Thủ tục lập Vi bằng

- Bước 1: Liên hệ tư vấn và thống nhất các nội dung liên quan đến việc lập vi bằng như: các thông tin cần ghi nhận trên internet có hình ảnh, thông tin sai sự thật; thời gian, địa điểm; chi phí lập vi bằng;…

- Bước 2: Tiến hành ghi nhận những nội dung, thông tin trên internet có hình ảnh, thông tin sai sự thật theo yêu cầu của Quý khách.

- Bước 3: Thừa phát lại hoàn thiện vi bằng và thực hiện thủ tục đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh.

Vi bằng được lập thành 03 (ba) bản chính, có giá trị pháp lý như nhau, giao cho người yêu cầu 01 (một) bản, gửi Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh 01 (một) bản để vào sổ đăng ký, Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn lưu 01 (một) bản. Người yêu cầu lập vi bằng có thể yêu cầu gia tăng số lượng bản chính Vi bằng (ngay tại thời điểm thỏa thuận hợp đồng) hoặc sao y Vi bằng khi cần thiết.

Để được tư vấn và hỗ trợ lập vi bằng mọi lúc mọi nơi, Quý khách có thể liên hệ với Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn qua các kênh:

  • Hotline: 0834.112.115
  • Email: [email protected]
  • Website: thuaphatlaisaigon.vn
  • Facebook: facebook.com/vanphongthuaphatlai
  • Hoặc đến trực tiếp Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn tại địa chỉ 24 Khổng Tử, Phường Bình Thọ, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Phan Như

Bạn cần tư vấn?

Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!