VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI SÀI GÒN (SBO)
- 24 (Tầng trệt) Khổng Tử, Phường Bình Thọ, TP. Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh
- 0834 112 115 - 0989 113 216
- [email protected]
Bạn đọc N.T. Kim Cương, sống tại Dĩ An, Bình Dương có câu hỏi: Trong giao dịch mua bán nhà đất, một số người dân đến Văn phòng Thừa phát lại để lập vi bằng. Xin hỏi Vi bằng có thay thế văn bản công chứng khi mua bán nhà đất không?
Về nội dung này, Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn giải đáp như sau:
Theo khoản 3 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định: “Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này”.
Về giá trị pháp lý: Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác; Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật (căn cứ theo khoản 2, khoản 3 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP).
Hình ảnh minh họa: Vi bằng có thay thế văn bản công chứng khi mua bán nhà đất không?
Bên cạnh đó, một trong những trường hợp mà Thừa phát lại không được lập vi bằng đó là nội dung công việc thuộc thẩm quyền của tổ chức hành nghề công chứng: “Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính” (căn cứ theo khoản 4 Điều 37 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP).
Đối với trường hợp mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thì việc công chứng, chứng thực hợp đồng là thủ tục mang tính bắt buộc theo quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013. Ngoài ra, Điều 122 Luật Nhà ở 2014 nêu rõ trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng.
Đối chiếu các quy định pháp luật nêu trên, có thể thấy rằng mua bán, chuyển nhượng đất đai, nhà ở là các giao dịch mà pháp luật quy định buộc phải có công chứng hoặc chứng thực, Vi bằng không có giá trị chứng nhận hoặc xác thực việc chuyển nhượng nhà đất giữa các bên. Vì vậy, trả lời cho câu hỏi của bạn đọc Kim Cương ở trên thì: Vi bằng không thay thế văn bản công chứng khi mua bán nhà đất.
Tuy nhiên trên thực tế, việc người dân thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất không đủ điều kiện để thực hiện thủ tục công chứng theo quy định pháp luật diễn ra khá phổ biến, ví dụ như: nhà chung giấy chứng nhận, đất không đủ diện tích tách thửa, nhà đất đang trong quá trình thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận,… Như vậy làm cách nào để bảo vệ quyền lợi của người mua, giảm thiểu tối đa rủi ro phát sinh khi thực hiện các giao dịch liên quan đến bất động sản khi chưa đủ điều kiện công chứng theo quy định pháp luật?
Câu trả lời đó chính là yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận sự kiện giao nhận tiền giữa bên mua và bên bán; ghi nhận hiện trạng thực tế của nhà đất khi tiến hành bàn giao;… Việc Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận lại những sự kiện, hành vi này nhằm xác lập chứng cứ, tạo cơ sở, căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các bên. Trong quá trình thực hiện, Thừa phát lại có trách nhiệm giải thích rõ giá trị pháp lý của vi bằng cho các bên tham gia hiểu rõ, tránh trường hợp nhầm lẫn giữa “Vi bằng” và “văn bản công chứng”, giữa “giá trị nguồn chứng cứ” và “giá trị chứng nhận hợp đồng”.
Nếu có bất kì thắc mắc nào cần được hỗ trợ liên quan đến Vi bằng, Quý khách hãy liên hệ ngay với Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn qua các kênh:
Hotline: 0834.112.115
Email: [email protected]
Website: thuaphatlaisaigon.vn
Facebook: facebook.com/vanphongthuaphatlai
Hoặc đến trực tiếp Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn tại địa chỉ 24 Khổng Tử, Phường Bình Thọ, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tham khảo thêm tại:
+ http://www.thuaphatlaisaigon.vn/phan-biet-vi-bang-va-van-ban-cong-chung.html
+ http://www.thuaphatlaisaigon.vn/co-duoc-phep-lap-vi-bang-dat-coc-mua-ban-nha-dat-khong-.html
Phan Như
Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!