Thừa phát lại có phải công chức nhà nước không? Thực hiện những công việc gì?

Thứ ba, 07/02/2023, 11:36 GMT+7

Đội ngũ nhân sự tại Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn

1. Thừa phát lại là ai?

Khái niệm Thừa phát lại được quy định tại khoản 1, Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại như sau:

“Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan”.

Theo đó, Thừa phát lại là một chức danh chỉ người được Nhà nước bổ nhiệm để tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện và tổ chức thi hành án dân sự.

Trong đó:

- Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự do Thừa phát lại thực hiện.

- Vi bằng là văn bản ghi lại sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến. Vi bằng được lập theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức.

- Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức.

- Thừa phát lại được quyền tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định tại Điều 51 Nghị định 08/2020/NĐ-CP.

Hiện nay, nhiều người biết đến Thừa phát lại thông qua hoạt động lập vi bằng. Đặc biệt là việc lập vi bằng tạo lập chứng cứ trong hoạt động mua bán bất động sản bởi vi bằng được Thừa phát lại lập dựa theo thực tế chứng kiến, hành vi, sự kiện có thật nên sẽ là một trong những nguồn chứng cứ chính xác để sử dụng khi có tranh chấp.

Chức danh Thừa phát lại được dùng để chỉ một người do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để thực hiện một số chức năng giống với thẩm quyền của công chức nhà nước nhưng lại không phải cán bộ, công chức nhà nước. Thừa phát lại là một chức danh bổ trợ tư pháp, giống tên gọi của một số chức danh tư pháp khác như: thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, công chứng viên… Thừa phát lại không phải là công chức, không phải người đại diện cho nhà nước, nhưng Thừa phát lại được nhà nước tuyển chọn theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt và bổ nhiệm để làm một số công việc thuộc thẩm quyền của Nhà nước.

Việc bổ nhiệm Thừa phát lại phải đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 6 Nghị định 08/2020/NĐ-CP gồm:

– Là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có độ tuổi không quá 65, chấp hành Hiến pháp, pháp luật và có đạo đức tốt.

– Có bằng tốt nghiệp đại học/sau đại học chuyên ngành Luật.

– Công tác pháp luật từ 03 năm trở lên sau khi có bằng chuyên ngành Luật nêu trên.

– Tốt nghiệp khóa đào tạo bồi dưỡng nghề Thừa phát tại Học viện Tư pháp hoặc công nhận tương đương với người được đào tạo ở nước ngoài hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại.

– Đạt yêu cầu trong kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.

2. Thủ tục làm vi bằng tại Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn

Bước 1: Người có nhu cầu làm vi bằng cần đến trụ sở Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn để yêu cầu Thừa phát lại hoặc thư ký nghiệp vụ của họ sẽ tiếp nhận thông tin của bạn. Văn phòng sẽ kiểm tra lại tính hợp pháp về yêu cầu làm vi bằng của khách hàng.

Bước 2: Thỏa thuận về thủ tục lập vi bằng.

Người yêu cầu sẽ ký các phiếu đảm bảo cho các nội dung sau:

– Nội dung được yêu cầu lập vi bằng

– Địa điểm và thời gian làm vi bằng

– Chi phí làm vi bằng

– Một số thỏa thuận khác theo yêu cầu, nếu có.

Bước 3: Tiến hành làm vi bằng

Đế tiến hành làm vi bằng, cả hai bên cần thống nhất các nội dung cụ thể từ trước, việc thống nhất này được ghi rõ trong Hợp đồng dịch vụ làm vi bằng.

Bước 4: Bàn giao kết quả thỏa thuận làm vi bằng

Vi bằng thông thường được làm thành 3 bản chính gồm:

– 01 bản dành cho người yêu cầu

– 01 bản đăng ký và được lưu giữ tại Sở Tư Pháp

– 01 bản được lưu trữ tại văn phòng Thừa phát lại

Lưu ý: Văn phòng Thừa phát lại có thể phát hành thêm bản chính theo yêu cầu của khách hàng có thu thêm phí phát sinh.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về Thừa phát lại. Nếu các bạn đọc giả còn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến Thừa phát lại, về việc làm vi bằng thì hãy liên hệ cho đội ngũ Thừa phát lại và thư ký Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn. Chúng tôi luôn sẵn lòng giải đáp thắc mắc của các bạn đọc. Trân trọng!

Nguyễn Tiến

Bạn cần tư vấn?

Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!