Tống đạt là gì? Ý nghĩa của việc tống đạt?

Thứ hai, 03/07/2023, 15:55 GMT+7

1. Tống đạt là gì?

Theo Từ điển Luật học do Nhà xuất bản Tư pháp phối hợp với Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa xuất bản năm 2006 thì “tống đạt” được hiểu là việc chuyển văn bản, giấy tờ đến tận tay người nhận; theo nghĩa pháp lý, “tống đạt” là việc chuyển đến đương sự giấy tờ cần thiết của cơ quan tư pháp. Việc tống đạt được tiến hành theo thủ tục luật định, đảm bảo cho những người liên quan nhận được tài liệu đúng thời hạn. Đồng thời việc tống đạt văn bản tố tụng phải do những người có thẩm quyền (người tiến hành tố tụng, người của cơ quan ban hành văn bản tố tụng, người có chức năng tống đạt,…) thực hiện theo các phương thức sau: thông báo trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc người thứ ba được ủy quyền; niêm yết công khai; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và các phương thức khác theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Tống đạt là một trong bốn chức năng, công việc của Thừa phát lại theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020. Cụ thể, khoản 2 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định khái niệm của hoạt động tống đạt trong lĩnh vực Thừa phát lại như sau: “Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan”.

TỐNG ĐẠT VĂN BẢN TỐ TỤNG, THI HÀNH ÁN

Hình ảnh tống đạt của Thừa phát lại 

Việc tống đạt của Thừa phát lại có một số đặc trưng cơ bản sau:

+ Việc tống đạt được thực hiện trên cơ sở ủy quyền của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự thông qua văn bản thỏa thuận là Hợp đồng dịch vụ tống đạt;

+ Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu thỏa thuận tống đạt bao gồm: Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, thông báo, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết định, quyết định kháng nghị của Tòa án; thông báo, quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân; quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập, thông báo của cơ quan thi hành án dân sự. Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có thể tống đạt các loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu khác theo đề nghị của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự;

+ Việc tống đạt văn bản, hồ sơ, tài liệu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tố tụng và thi hành án dân sự;

+ Hoạt động tống đạt của Thừa phát lại vừa mang tính quyền lực (thực hiện theo sự ủy quyền của cơ quan nhà nước, theo trình tự, thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định) vừa mang tính dịch vụ (theo hợp đồng và được hưởng thù lao).

2. Ý nghĩa của hoạt động tống đạt

Hoạt động tống đạt văn bản tố tụng, văn bản thi hành án dân sự, văn bản tương trợ tư pháp nhằm công khai và minh bạch hóa các hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự. Thông qua hoạt động tống đạt, người dân có điều kiện thực hiện quyền theo dõi, giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung và của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan khác nói riêng.

Nhằm hướng đến mục tiêu xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp, công việc tống đạt văn bản đã và đang là một hoạt động hỗ trợ tích cực của các Văn phòng Thừa phát lại đối với ngành Tòa án, Viện kiểm sát và Thi hành án dân sự nhà nước. Kết quả tống đạt mà Thừa phát lại mang đến không những góp phần giảm tải số lượng công việc tại các Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan Thi hành án dân sự, nhằm tạo điều kiện để các cán bộ, công chức có thời gian tập trung vào công tác chuyên môn của mình, từ đó giúp nâng cao hiệu quả xét xử và thi hành án trong thực tiễn; mà còn đảm bảo cho đương sự có thể nhận được các thông báo, giấy tờ, hồ sơ, tài liệu đúng địa chỉ và đúng thời hạn theo quy định, từ đó các đương sự có thể theo dõi vụ việc, thực hiện đầy đủ nội dung theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhằm bảo đảm tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ việc tranh chấp phát sinh.

Bạn cần tư vấn?

Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!