Vi bằng là gì? Giá trị pháp lý và trình tự thủ tục lập vi bằng

Thứ năm, 16/09/2021, 12:56 GMT+7

Trong thực tế hiện nay khi tham gia vào các mối quan hệ trong xã hội, các giao dịch trong đời sống tồn tại nhiều nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp diễn ra, để hạn chế các thiệt hại và cũng như bảo vệ quyền lợi của quý khách hàng một cách tốt nhất thì Vi bằng là lựa chọn hàng đầu. Không chỉ tạo nguồn chứng cứ để minh chứng trước cơ quan Tòa án khi có tranh chấp mà còn tạo ra sự minh bạch hạn chế phát sinh thuẫn giữa các bên. Vậy Vi bằng là gì? Có giá trị như thế nào? Trình tự thủ tục ra sao?

1. Vi bằng là gì?

Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật.

Như vậy Vi bằng là văn bản mô tả, ghi nhận lại những hành vi, sự kiện xảy ra trong thực tế do chính Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, trong văn bản này có thể kèm theo hình ảnh, âm thanh, video trong một số trường hợp cần thiết.

2. Giá trị của vi bằng
- Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

- Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

- Một số dạng Vi bằng thường lập:

+ Vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi xảy ra theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân: sự kiện giao nhận tiền, gửi thông báo đòi nhà, đòi nợ, xác lập hợp đồng, lập di chúc; hành vi vi phạm pháp luật của người khác, hành vi sử dụng nhà thuê không đúng mục đích…
+ Vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà ở, các công trình liền kề, lân cận, dùng để lập hồ sơ xây dựng;

+ Vi bằng ghi nhận thông tin trên internet khi bị nhục mạ, nói xấu, các dấu hiệu liên quan đến vi phạm bản quyền, trích xuất dữ liệu ghi âm, ghi hình từ các thiết bị..

+ Vi bằng ghi nhận buổi làm việc, cuộc họp, họp đại hội đồng cổ đông của các công ty;

+ Vi bằng ghi nhận thu giữ tài sản, kiểm kê của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

+ Vi bằng ghi nhận vi phạm tác quyền âm nhạc;

+ Vi bằng ghi nhận lấy mẫu thử nước, đất, sản phẩm …
+ Vi bằng dùng làm chứng cứ để yêu cầu cơ quan bảo hiểm bồi thường;
+ Vi bằng về các sự kiện, hành vi khác xảy ra trong phạm vi toàn quốc.
3. Thủ tục lập vi bằng
3.1 Tiếp nhận đơn yêu cầu lập vi bằng

- Khách hàng có nhu cầu lập vi bằng sẽ làm việc với thư ký nghiệp vụ. Thư ký nghiệp vụ tư vấn cho khách hàng về một số quy định pháp luật có liên quan đến vi bằng mà khách hàng muốn lập.
- Tại đây, khách hàng điền nội dung yêu cầu lập vi bằng vào Phiếu yêu cầu lập vi bằng (theo mẫu). Thư ký nghiệp vụ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp của nội dung yêu cầu lập vi bằng và trình Thừa phát lại quyết định.
- Thư ký nghiệp vụ đề nghị khách hàng điền vào Phiếu cung cấp thông tin (theo mẫu) những thông tin cần thiết liên quan đến việc lập vi bằng.
- Trường hợp khách hàng yêu cầu lập vi bằng thông qua các phương tiện thông tin khác, Phiếu yêu cầu lập vi bằng, Phiếu cung cấp thông tin sẽ được thực hiện tại nơi khách hàng yêu cầu.
3.2 Thỏa thuận lập vi bằng
- Khách hàng và Văn phòng Thừa phát lại tiến hành ký kết thỏa thuận lập vi bằng (theo mẫu), trong đó xác định: nội dung cần lập vi bằng, thời gian, địa điểm lập vi bằng, chi phí lập vi bằng… đồng thời tiến hành tạm ứng chi phí lập vi bằng.
- Thỏa thuận lập vi bằng được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản. Thư ký nghiệp vụ ghi vào sổ theo dõi thỏa thuận lập vi bằng.
3.3 Tiến hành lập vi bằng
- Vi bằng (theo mẫu) có thể được lập tại Văn phòng Thừa phát lại hoặc tại nơi mà khách hàng yêu cầu.
- Trong trường hợp cần thiết hoặc theo yêu cầu của khách hàng, Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng, chứng kiến việc lập vi bằng hoặc yêu cầu nhà chuyên môn tham gia vào việc lập vi bằng.
- Thừa phát lại sẽ mô tả cụ thể sự kiện, hành vi cần ghi nhận; tiến hành chụp ảnh, quay phim… trung thực, khách quan trong vi bằng.
- Trước khi ký nháy từng trang và ký tên vào vi bằng, Thừa phát lại tự mình kiểm tra lại giấy tờ tùy thân của khách hàng, người bị lập vi bằng, người làm chứng… và yêu cầu những người tham gia, chứng kiến, người có hành vi bị lập vi bằng ký tên vào vi bằng.
- Vi bằng được lấy số theo thứ tự thời gian, ghi vào sổ theo dõi vi bằng và được lập thành 03 bản chính (trừ trường hợp có thỏa thuận khác).
3.4 Thanh lý thỏa thuận lập vi bằng
- Trước khi giao vi bằng, thư ký nghiệp vụ đề nghị khách hàng ký vào sổ bàn giao vi bằng và thanh lý thỏa thuận lập vi bằng.
- Khách hàng được giao một bản chính của vi bằng (trừ trường hợp có thỏa thuận khác).
3.5 Cung cấp bản sao vi bằng
- Bản sao vi bằng chỉ được cung cấp trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản về việc cung cấp bản sao vi bằng phục vụ cho việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc đã lập vi bằng. Văn bản về việc cung cấp bản sao vi bằng phải được lưu trong hồ sơ vi bằng. Theo yêu cầu của người yêu cầu lập vi bằng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vi bằng đã được lập.

- Việc cấp bản sao vi bằng do Thừa phát lại đã thực hiện vi bằng quyết định, được thực hiện tại Văn phòng Thừa phát lại sau khi đối chiếu với bản chính và đóng dấu bản sao vi bằng, đồng thời được ghi vào sổ theo dõi vi bằng.
4. Chi phí cho việc lập vi bằng
Chi phí lập vi bằng do khách hàng và văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận theo công việc thực hiện hoặc theo giờ làm việc. Văn phòng Thừa phát lại và khách hàng có thể thỏa thuận thêm về các khoản chi phí thực tế phát sinh gồm: chi phí đi lại; phí dịch vụ cho các cơ quan cung cấp thông tin nếu có; tiền bồi dưỡng người làm chứng, người tham gia hoặc chi phí khác nếu có.
Chi phí cho từng loại vụ việc cụ thể được thực hiện theo danh mục biểu phí của Văn phòng.

VP Thừa phát lại Sài Gòn

Bạn cần tư vấn?

Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!