Làm cách nào để bảo vệ quyền lợi của mình khi hàng xóm kế bên xây nhà?

Thứ hai, 15/07/2024, 08:45 GMT+7

     Vợ chồng ông Nguyễn Văn T đã liên hệ và yêu cầu Thừa phát lại tư vấn trường hợp như sau:

“Nhà hàng xóm kế bên nhà của tôi chuẩn bị đập căn nhà hiện tại để xây dựng căn nhà mới. Căn nhà của tôi mới xây dựng năm ngoái, còn mới và chưa có hư hỏng gì đáng kể. Nhưng do vách tường sát cạnh nhau nên tôi khá lo lắng, sợ quá trình xây dựng của nhà hàng xóm làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như kết cấu nhà của tôi, gây hư hỏng thiệt hại. Vậy tôi phải làm cách nào để tránh những rủi ro này, mong văn phòng giải đáp.”

     Hình ảnh Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn đang lập vi bằng ghi nhận hiện trạng

     Về tình huống này, Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn giải đáp như sau:

     Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

"Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.

Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường."

     Để có căn cứ và cơ sở cho việc yêu cầu chủ sở hữu bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng gây ra trong quá trình thi công, bạn T có thể yêu cầu Thừa phát lại lập Vi bằng ghi nhận hiện trạng thực tế căn nhà của mình tại thời điểm trước khi nhà hàng xóm bắt đầu thi công.

     Vi bằng ghi nhận hiện trạng do Thừa phát lại lập mô tả một cách khách quan, trung thực tình trạng thực tế của căn nhà (tường nhà, sàn nhà, trần nhà, các vết nứt nếu có,…) tại thời điểm lập vi bằng, thông qua hình ảnh và video kèm theo Vi bằng.Việc ghi nhận hiện trạng này nhằm xác lập chứng cứ, chứng minh hiện trạng thực tế căn nhà; sau này trong quá trình thi công của nhà hàng xóm nếu có xảy ra sụt lún, nứt gãy thì bạn T có thể sử dụng thông tin, hình ảnh trong Vi bằng này để đối chiếu với tình trạng hiện tại nếu có hư hỏng, thiệt hại, để có cơ sở yêu cầu nhà hàng xóm bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả.

     Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng, nếu xảy ra hư hỏng, thiệt hại, nếu hai bên thương lượng được thì quá tốt. Trường hợp bên kia không đồng ý hợp tác, thì bạn cũng có thể đề nghị Thừa phát lại lập Vi bằng ghi nhận hiện trạng sự cố và buổi làm việc giữa các bên về việc thỏa thuận bồi thường thiệt hại (nếu có).

     Về giá trị pháp lý:

     Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020. Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

     Vi bằng ghi nhận hiện trạng có giá trị là nguồn chứng cứ, chứng minh sự tồn tại của bất động sản, tình trạng của bất động sản tại thời điểm lập vi bằng. Vi bằng này là nguồn chứng cứ để sử dụng trong quá trình giải quyết vụ việc tại Tòa án hoặc để làm căn cứ trong giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

     Để được tư vấn và hỗ trợ lập vi bằng mọi lúc mọi nơi, Quý khách có thể liên hệ với Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn qua các kênh:

Bạn cần tư vấn?

Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!