Lợi ích của Vi bằng ghi nhận việc thực hiện các quyết định, bản án của Tòa án

Thứ năm, 28/03/2024, 09:12 GMT+7

       Thi hành án dân sự là giai đoạn cuối cùng của quá trình giải quyết tranh chấp dân sự, để các bên đương sự thực hiện quyết định và hoàn thành nghĩa vụ đối với bản án theo quy định của pháp luật. Khi thực hiện việc thi hành án, đương sự có quyền lựa chọn những cách thức khác nhau phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế, có thể là yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thực hiện thi hành án hoặc các đương sự tự thỏa thuận thực hiện thi hành án với nhau.

       Sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, các đương sự có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thực hiện thi hành bản án, quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự “Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án”.

       Tuy nhiên trên thực tế, việc thi hành án tại cơ quan thi hành án dân sự có thể bị kéo dài, mất nhiều thời gian của các đương sự, đồng thời những khoản chi phí phát sinh từ việc thi hành án cũng không phải là nhỏ, nó phụ thuộc vào giá trị tài sản thực nhận khi thi hành án. Do đó, để giảm thiểu chi phí và tự chủ về thời gian thì các đương sự có quyền tự thỏa thuận thực hiện thi hành án với nhau. Nhưng nhược điểm của phương thức này là có khả năng làm phát sinh tranh chấp sau này, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự do không có căn cứ, cơ sở chứng minh cho việc các bên đã thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình được quy định trong bản án, quyết định của Tòa án. Để khắc phục được nhược điểm này và nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho quá trình tự thực hiện việc thi hành án trên thực tế, các bên có thể yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận sự kiện buổi làm việc mà các bên thỏa thuận và thống nhất các nội dung nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Hình ảnh khách hàng lập vi bằng ghi nhận buổi làm việc phân chia tài sản sau ly hôn theo quyết định, bản án của Tòa án

       Về giá trị pháp lý

      Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020. Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

       Về cách thức thực hiện

       Theo yêu cầu của Người yêu cầu lập vi bằng, Thừa phát lại chứng kiến, ghi nhận toàn bộ diễn biến, quá trình của sự kiện lập vi bằng, hành vi diễn ra trên thực tế; sau đó mô tả chúng một cách khách quan, trung thực vào Vi bằng.

       Nội dung Vi bằng do Thừa phát lại lập bao gồm những thông tin như: thời gian, địa điểm lập vi bằng, thông tin nhân thân của các bên tham gia, diễn biến của sự kiện lập vi bằng, ảnh chụp Thừa phát lại và các bên tại thời điểm lập vi bằng,... Đính kèm Vi bằng có thể là hình chụp, đoạn ghi hình, ghi âm hoặc các tài liệu khác nhằm chứng minh tính chính xác của sự kiện mà Thừa phát lại đã chứng kiến.

       Trên thực tế Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn đã tiếp nhận và xử lý một vụ việc liên quan đến thỏa thuận thi hành án như sau:

       Ông Vũ Tất T là đại diện ủy quyền của ông Nguyễn Minh Q (nguyên đơn) đã đến Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn yêu cầu lập vi bằng ghi nhận buổi làm việc và giao nhận tài sản, giấy tờ để thực hiện “Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự” số xxxx/2023/QĐST-DS ngày 25/9/2023 của Tòa án nhân dân Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

       Vào ngày 25/9/2023, Tòa án nhân dân Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra quyết định đối với vụ án tranh chấp di sản thừa kế theo di chúc giữa ông Nguyễn Minh Q (nguyên đơn) với ông Lưu Tấn P và bà Phạm Thị Ngọc T (bị đơn). Nội dung của quyết định như sau: “Ông Lưu Tấn P và bà Phạm Thị Ngọc T có trách nhiệm bàn giao cho ông Nguyễn Minh Q nhà, đất địa chỉ số X, đường Y, khu phố Z, phường H, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh và các bản chính giấy tờ của nhà, đất nêu trên. Đồng thời, ông Nguyễn Minh Q có nghĩa vụ hỗ trợ cho ông Lưu Tấn P và bà Phạm Thị Ngọc T số tiền 2.500.000.000 đồng”.

       Thừa phát lại tư vấn kỹ càng những bước ông T cần làm để thực hiện nghĩa vụ của ông Q theo quyết định trên:

+ Thứ nhất: Thừa phát lại cùng với ông T đến nhà, đất tại địa chỉ số X, đường Y, khu phố Z, phường H, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh và cùng có mặt là ông P và bà T để Thừa phát lại ghi nhận lại hiện trạng căn nhà mà ông P và bà T bàn giao lại cho ông T à là chứng cứ chứng minh việc ông P và bà T đã thực hiện nghĩa vụ bàn giao nhà, đất, là cơ sở để xác định ông P và bà T đã hoàn thành nghĩa vụ trong quyết định.

+ Thứ hai: Thừa phát lại ghi nhận việc ông T cùng ông P và bà T đến Ngân hàng, sau đó ông T giao số tiền hỗ trợ 2.500.000.000 đồng cho ông P và bà T. Khi nhận đủ số tiền nêu trên ông P và bà T bàn giao lại các bản chính giấy tờ của nhà, đất tại địa chỉ số X, đường Y, khu phố Z, phường H, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh à là căn cứ, cơ sở chứng minh việc ông Q đã thực hiện nghĩa vụ hỗ trợ số tiền và đã hoàn thành nghĩa vụ trong quyết định. Ông P và bà T cũng hoàn thành nốt nghĩa vụ còn lại của mình trong quyết định để các bên hoàn thành nghĩa vụ và được hưởng quyền lợi của mình.

       Thừa phát lại đã góp phần rất lớn giúp cho các đương sự trong quá trình thực hiện bản án, quyết định được dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện hơn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự kịp thời, không mất nhiều thời gian và chi phí.

Bạn cần tư vấn?

Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!