Phạm vi lập vi bằng của Thừa phát lại

Chủ nhật, 25/06/2023, 09:32 GMT+7

Khách hàng Lê Văn T đã đến Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn và yêu cầu tư vấn lập vi bằng với tình huống như sau:

Trước đây, ông Nguyễn Hữu P cùng vợ là bà Nguyễn Thùy D có hứa bán và ông Lê Văn T có hứa mua căn nhà tọa lạc tại tỉnh Đồng Nai, giữa hai bên có ký kết hợp đồng đặt cọc nhằm đảm bảo cho việc chuyển nhượng nêu trên. Tuy nhiên vì lý do nào đó mà khi đến thời hạn ký kết hợp đồng chuyển nhượng tại tổ chức công chứng, vợ chồng ông P lại không đồng ý bán căn nhà đó nữa. Do đó, ông Lê Văn T muốn yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận sự kiện ông T giao văn bản thông báo yêu cầu vợ chồng ông P tiếp tục thực hiện việc chuyển nhượng giữa hai bên tại nhà của ông P ở tỉnh Đồng Nai, đồng thời ghi nhận sự việc ông T có mặt tại Văn phòng công chứng ở Đồng Nai để cùng vợ chồng ông P ký kết hợp đồng chuyển nhượng. Như vậy, Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn có được lập vi bằng ở tỉnh Đồng Nai hay không?

Giải đáp:

Theo quy định hiện hành tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP: “ Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Nghị định này”.

Trả lời tình huống ở trên, thì Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn tuy có trụ sở hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng thẩm quyền lập vi bằng phủ rộng trong phạm vi toàn quốc, do đó việc lập vi bằng ghi nhận sự kiện ông Lê Văn T giao văn bản và sự việc ông T có mặt tại Văn phòng công chứng ở Đồng Nai để cùng vợ chồng ông P ký kết hợp đồng chuyển nhượng hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của Thừa phát lại.

So với quy định cũ trước đây tại Nghị định số 135/2013/NĐ-CP là Thừa phát lại chỉ được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại, thì hiện nay thẩm quyền lập vi bằng của Thừa phát lại đã được mở rộng phạm vi toàn quốc, không còn bị giới hạn về mặt địa hạt. Do đó, Thừa phát lại hoàn toàn có thể lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi diễn ra trên phạm vi tất cả các tỉnh thành trên cả nước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Việc bỏ địa hạt lập vi bằng của Thừa phát lại tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Thừa phát lại trong quá trình hành nghề. Sự ràng buộc về địa hạt theo quy định cũ đã làm hạn chế rất nhiều hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại, đối với người dân tại các tỉnh thành chưa có Văn phòng Thừa phát lại, thì khi có nhu cầu cần xác lập chứng cứ lại không có bất kì cơ quan có chuyên môn hỗ trợ sự vụ đó, mà theo cách truyền thống là họ sẽ nhờ người thân, người quen biết hoặc cán bộ tổ dân phố làm chứng. Tuy nhiên với cách làm chứng thiếu chuyên nghiệp như trên, khi phát sinh tranh chấp sẽ rất khó giải quyết trong khâu xác thực chứng cứ và xác minh người làm chứng, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Hiện nay, khi Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ra đời, người dân trên các tỉnh thành chưa có Văn phòng Thừa phát lại cũng hoàn toàn yên tâm về việc họ sẽ có thêm một cơ quan có thẩm quyền để xác lập các chứng cứ, hay nói cách khác là lập vi bằng theo yêu cầu của họ.

Để được tư vấn và hỗ trợ lập vi bằng mọi lúc mọi nơi, Quý khách có thể liên hệ với Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn qua các kênh:

Hotline: 0834.112.115

Email: [email protected]

Website: thuaphatlaisaigon.vn

Facebook: facebook.com/vanphongthuaphatlai

Hoặc đến trực tiếp Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn tại địa chỉ 24 Khổng Tử, Phường Bình Thọ, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Phan Như

Bạn cần tư vấn?

Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!