VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI SÀI GÒN (SBO)
- 24 (Tầng trệt) Khổng Tử, Phường Bình Thọ, TP. Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh
- 0834 112 115 - 0989 113 216
- [email protected]
Một trong những mục tiêu hình thành và phát triển chế định Thừa phát lại là xã hội hóa hoạt động tư pháp, hỗ trợ, san sẻ công việc của các cơ quan tư pháp cũng như để tạo thêm cho người dân quyền lựa chọn khi yêu cầu thi hành bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Nhưng hiện nay những quy định chung về hoạt động của Thừa phát lại để thực hiện công việc của mình liên quan đến lĩnh vực Thi hành án này trong thực tế lại tồn tại nhiều vướng mắc.
Theo đó, tại Điều 3 của Nghị định 08/2020/NĐ-CP về các công việc của Thừa phát lại có quy định:
1. Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
2. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.
3. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
4. Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Như vậy hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự được quy định là hai công việc trong bốn công việc chính của Thừa phát lại. Trên thực tế hoạt động lập vi bằng và tống đạt mới hai là hai động chủ yếu của các Văn phòng Thừa phát lại việc xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án còn rất ít, thậm chí có Văn phòng Thừa phát lại chưa thực hiện được vụ việc nào.
1. Xác minh điều kiện thi hành án:
Tại Mục 3 của Nghị định 08/2020 NĐ-CP có quy định liên quan đến công việc Xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại về thẩm quyên, thủ tục... Việc xác minh điều điều kiện thi hành án của Thừa phát lại giúp ích rất nhiều cho các cá nhân, tổ chức là đương sự trong vụ việc có bản án, quyết định có hiệu lực đã được ban hành muốn tạo lập cơ sở để cơ quan Thi hành án thực hiện tổ chức thi hành án một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Đây là một công việc vô cùng quan trọng và cần thiết trong đời sống hằng ngày nhằm giúp ích cho người dân cũng như giảm tải khối lượng công việc của cơ quan Thi hành án. Nhưng trong thực tiễn, mặc dù có những quy định về Xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại nhưng Thừa phát lại vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện xác minh. Hoạt động này không nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các cơ quan, tổ chức khác gây rất nhiều trở ngại cho Thừa phát lại. Thực tế hiện nay còn quá ít các cơ quan, tổ chức hiểu hết về chức năng xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại và quyền hạn của Thừa phát lại còn hạn chế nhiều trong công tác này dẫn đến hoạt động trong thực tế không mang lại hiệu quả, các Văn phòng Thừa phát lại không còn mặn mà với công việc Xác minh điều kiện thi hành án nữa do đó dẫn đến chức năng này của Thừa phát lại không còn phổ biến.
2. Thi hành Bản án, Quyết định theo yêu cầu của đương sự:
Đồi với công việc thi hành Bản án, Quyết định theo yêu cầu của đương sự là một trong những công việc vô cùng quan trọng trong việc góp phần hỗ trợ giảm tải khối lượng công việc của cơ quan Thi hành án cũng như giúp cho người dân được thi hành một bản án, quyết định nhanh chóng hơn. Góp phần san sẻ khối lượng công việc khổng lồ và tồn đọng của cơ quan Thi hành án, người dân thì phải ngán ngẩm vì sau khi tham gia quá trình kiện tụng tại Tòa án thì lại phải tiếp tục chờ đợi và thực hiện nhiều quy trình thủ tục tại cơ quan Thi hành án để thi hành.
Tại Mục 4 của Nghị định 08/2020 NĐ-CP có quy định liên quan đến công việc thi hành Bản án, Quyết định theo yêu cầu của đương sự. Tuy nhiên trong những quy định này lại hạn chế quyền hạn của Thừa phát lại trong việc sử dụng các biện pháp để tổ chức thi hành bản án so với quyền hạn của một Chấp hành viên.
Tại Khoản 2 Điều 52 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định cụ thể về những nhiệm vụ, quyền hạn Thừa phát lại không được thực hiện:
“a) Áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 66, Điều 71, Điều 72 của Luật Thi hành án dân sự;
b) Sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định tại khoản 9 Điều 20 của Luật Thi hành án dân sự;
c) Xử phạt vi phạm hành chính;
d) Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án theo quy định tại Điều 74 của Luật Thi hành án dân sự;
đ) Yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 75 của Luật Thi hành án dân sự;
e) Các quyền yêu cầu Tòa án xác định người có quyền sở hữu, sử dụng tài sản, giấy tờ tạm giữ; xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản; giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 68, khoản 3 Điều 69 và khoản 2 Điều 102 của Luật Thi hành án dân sự.”
Khi tổ chức thi hành án, thừa phát lại không được áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án; không được thực hiện các nhiệm vụ, quyền như: sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định tại khoản 9, Điều 20 Luật Thi hành án dân sự; xử phạt vi phạm hành chính; yêu cầu tòa án xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án theo quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự; yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu theo quy định tại khoản 2, Điều 75 Luật Thi hành án dân sự. Nghị định số 08/2020/NĐ-CP cũng quy định Thừa phát lại không được phép thực hiện các quyền, nhiệm vụ như: yêu cầu Tòa án xác định người có quyền sở hữu, sử dụng tài sản, giấy tờ tạm giữ; xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản; giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản... Thừa phát lại không được thực hiện các biện pháp bảo đảm bảo trong thi hành án như: phong tỏa tài khoản; tạm giữ tài sản, giấy tờ; tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản...Ngoài ra đối với các Quyết định liên quan đến hồ sơ thi hành án mà Thừa phát lại của Văn phòng Thừa phát lại trực tiếp thực hiện thì Văn phòng Thừa phát lại cũng không có quyền ra bất kỳ quyết định nào mà phải đề nghị Cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định đối với những vụ việc này. Vô hình chung các đơn vị Văn phòng Thừa phát lại lại gặp nhiều khó khăn hơn về thủ tục cũng như tốn khá nhiều thời gian và phụ thuộc gần như hoàn toàn vào ơ quan Thi hành án.
Trọng thực tế để thực hiện thi hành Bản án, Quyết định theo yêu cầu của đương sự Thừa phát lại rất khó để thi hành được thành công vì hạn chế quá nhiều quyền hạn sử dụng các biện pháp bảo đảm. Dẫn đến trong thực tế không thể có cách thức giải quyết vụ việc một cách hiệu quả được nên các Văn phòng Thừa phát lại không thể tiến nhận những yêu cầu của đương sự liên quan đến việc thi hành bản án, Quyết định trừ những trường hợp hai bên tự nguyên thi hành Bản án, Quyết định.
Nhìn chung hoạt động liên quan đến lĩnh vực thi hành án của Thừa phát lại là công việc vô cùng quan trọng và mang lại vai trò vô cùng to lớn cho cơ quan Thi hành án cũng như đời sống của người dân. Tiềm năng của Thừa phát lại còn chưa được khai thác một cách hiệu quả và triệt để cũng như nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức liên quan đến hoạt động Thừa phát lại còn hạn chế. Thừa phát lại cần được trao quyền nhiều hơn để thực thi tốt những công việc theo quy định của mình cũng như các Văn phòng Thừa phát lại cũng nên tích cực phối hợp để tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân hơn. Đồng thời các Thừa phát lại cũng phải luôn tự trao dồi bản thân về các kỹ năng, tham gia các khóa bồi dưỡng liên quan đến nghiệp vụ Thi hành án để hoạt động một cách hiệu quả hơn.
Đa Đa
Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!