LẬP VI BẰNG SỰ KIỆN CHỜ TẠI VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG

Thứ bảy, 11/09/2021, 15:37 GMT+7

Khi nào cần lập vi bằng tại văn phòng công chứng?

Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận lại một cách khách quan, trung thực và đầy đủ những sự kiện, hành vi diễn ra trên thực tế tại thời điểm xác định. Vi bằng có giá trị là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Nắm bắt được nhu cầu của xã hội hiện nay về việc tạo lập chứng cứ liên quan đến các hành vi, sự kiện diễn ra tại tổ chức công chứng, chúng tôi xin đưa ra một số tình huống mà Quý bạn đọc có thể lựa chọn phương án lập vi bằng nhằm bảo vệ tối ưu quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi thực hiện giao dịch tại tổ chức công chứng:

Một là, khi các bên ký kết hợp đồng mua bán tài sản tại tổ chức công chứng, thì có thể yêu cầu Thừa phát lại ghi nhận sự kiện giao nhận tiền giữa các bên để xác lập chứng cứ.

Ví dụ: Ông A bán cho bà B một căn nhà. Ngay khi ký kết hợp đồng mua bán nhà tại tổ chức công chứng, các bên có thể yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận việc bà B giao tiền mua nhà cho ông A để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký.

Hai là, khi bên bán không đồng ý bán tài sản theo thỏa thuận trước đó giữa hai bên, thì bên mua có thể yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận việc bên bán không mặt tại tổ chức công chứng theo lịch hẹn.

Ví dụ: Ông C và bà D có thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc rằng: ông C hứa bán cho bà D phần đất thuộc quyền sử dụng của mình với giá 500.000.000 đồng, theo đó bà D đã đặt cọc cho ông C số tiền là 100.000.000 đồng và xác định thời điểm ký hợp đồng mua bán tại tổ chức công chứng là sau 10 ngày đặt cọc. Tuy nhiên, đến thời hạn ký công chứng thì ông C lại không đồng ý bán đất cho bà D nữa à bà D có thể yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận bà D có mặt tại tổ chức công chứng theo đúng lịch hẹn với ông C, nhưng ông C lại không đến, từ đó có chứng cứ và cơ sở xác định ông C đã vi phạm nghĩa vụ hợp đồng đặt cọc với bà D à bà D có quyền yêu cầu ông C trả cọc và đền cọc theo quy định của pháp luật.

Ba là, khi bên mua không đồng ý mua tài sản theo thỏa thuận trước đó giữa hai bên, thì bên bán có thể yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận việc bên mua không mặt tại tổ chức công chứng theo lịch hẹn.

Cũng tương tự với trường hợp nêu trên, nhưng ngược lại là đến thời hạn ký công chứng thì bà D lại không đồng ý mua đất của ông C nữa à ông C có thể yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận ông C có mặt tại tổ chức công chứng theo đúng lịch hẹn với bà D, nhưng bà D lại không đến, từ đó có chứng cứ và cơ sở xác định bà D đã vi phạm nghĩa vụ hợp đồng đặt cọc với ông C à bà D bị mất số tiền đã đặt cọc cho ông C là 100.000.000 đồng theo quy định của pháp luật.

Bốn là, Thừa phát lại ghi nhận sự kiện các bên có mặt tại tổ chức công chứng, cùng tiến hành làm việc với nhau nhưng kết quả là không thể tiến hành thủ tục công chứng, bởi các lý do ví dụ như: không thống nhất được các nội dung thoả thuận trong hợp đồng; các bên không cung cấp đầy đủ các giấy tờ theo yêu cầu của công chứng; một trong các bên từ chối mua/bán tài sản,……..

Ví dụ: Ông E và bà G cùng đến tổ chức công chứng để ký kết hợp đồng mua bán nhà. Tuy nhiên, tại thời điểm công chứng, ông E (bên bán) không đồng ý bán căn nhà cho bà G với mức giá cũ, mà đòi hỏi mức giá cao hơn giá trị chuyển nhượng mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc trước đó à trong trường hợp này, bà G có thể yêu cầu Thừa phát lại ghi nhận buổi làm việc giữa hai bên tại tổ chức công chứng nhằm xác lập chứng cứ, để yêu cầu ông E trả cọc và đền cọc nếu ông E không thực hiện đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc mà hai bên đã ký kết.

Năm là, các sự kiện khác theo yêu cầu của khách hàng mà Thừa phát lại có thể hỗ trợ lập vi bằng để xác lập chứng cứ theo quy định của pháp luật.

Hình ảnh Thừa phát lại đang lập vi bằng tại Văn phòng công chứng Quận 10

Giá trị pháp lý của Vi bằng:

Vi bằng ghi nhận các sự kiện diễn ra tại tổ chức công chứng có giá trị là nguồn chứng cứ, chứng minh các sự kiện, hành vi đã diễn ra trên thực tế tại thời điểm lập vi bằng. Vi bằng giúp khách hàng tạo lập chứng cứ, củng cố hồ sơ pháp lý khi có tranh chấp phát sinh liên quan đến giao dịch của mình, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân trong trường hợp phải đối trọng với bên còn lại. Không những thế, Vi bằng còn là nguồn chứng cứ để Toà án xem xét và giải quyết thấu tình đạt lý khi tranh chấp đó được yêu cầu giải quyết tại toà.

Thủ tục lập Vi bằng:

Bước 1. Liên hệ với Văn phòng Thừa phát lại để được tư vấn và báo phí

Quý khách có thể liên hệ với Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn để cung cấp hồ sơ và yêu cầu tư vấn về tình huống của mình. Sau khi tiếp nhận yêu cầu của Quý khách, Thừa phát lại sẽ tư vấn, hướng dẫn cách thức lập vi bằng, thông báo phí lập vi bằng và tiến hành ký kết hợp đồng dịch vụ.

Quý khách có thể liên hệ với Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn qua các kênh:

Hotline: 0834.112.115

Email: [email protected]

Website: thuaphatlaisaigon.vn

Facebook: facebook.com/vanphongthuaphatlai

Bước 2. Tiến hành ghi nhận diễn biến, sự kiện tại tổ chức công chứng

Tại thời điểm ký kết hợp đồng dịch vụ, Quý khách thông báo về thời gian và địa điểm cụ thể sẽ diễn ra việc lập vi bằng. Sau đó, văn phòng sẽ cử Thừa phát lại và thư ký nghiệp vụ đến đúng theo lịch trình đã thống nhất để tiến hành ghi nhận những sự kiện, hành vi tại tổ chức công chứng theo yêu cầu của Quý khách.

Bước 3. Nhận kết quả và thanh lý hồ sơ

Sau khi ghi nhận nội dung theo yêu cầu, Văn phòng sẽ tiến hành hoàn thiện vi bằng và thực hiện thủ tục đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh. Thông thường, chúng tôi cần 03 ngày làm việc để trả kết quả đến khách hàng, nếu Quý khách đang trong tình huống gấp rút cần ngay kết quả thì có thể trao đổi để Văn phòng có thể hỗ trợ hết sức.

Bạn cần tư vấn?

Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!