VI BẰNG GHI NHẬN SỰ KIỆN LẤY MẪU

Chủ nhật, 12/09/2021, 09:52 GMT+7

Nhận diện tình huống cần lập vi bằng:

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Với sự tăng trưởng nhanh của kinh tế, đời sống thị trường ở Việt Nam cũng diễn biến phức tạp, đòi hỏi pháp luật phải xây dựng hành lang pháp lý đảm bảo điều kiện thuận lợi và công bằng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Khi thực hiện hoạt động kinh doanh, những hành vi cạnh tranh luôn được sáng tạo không ngừng về hình thức thể hiện và phương thức cạnh tranh. Ở góc độ tiêu cực, có những hành vi làm xuất hiện thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh. Pháp luật về canh tranh điều chỉnh vấn đề này, nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chứng minh hành vi cạnh tranh không lành mạnh?

Với tư cách là một tổ chức cung cấp dịch vụ lập vi bằng, chúng tôi khuyến khích khách hàng lập vi bằng ghi nhận sự kiện “mua hàng hóa” (hay còn gọi là vi bằng “lấy mẫu”) trong những trường hợp sau, để lưu giữ chứng cứ nhằm chứng minh hành vi cạnh tranh không lành mạnh của “đối thủ” như: bán hàng hóa có chỉ dẫn gây nhầm lẫn, cạnh tranh không lành mạnh về giá của hàng hóa, các hoạt động khuyến mại vi phạm pháp luật… Trên cơ sở đó, chủ thể bị thiệt hại yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại phát sinh.

Tạo lập chứng cứ về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh:

  • Ghi nhận chỉ dẫn gây nhầm lẫn: Yêu vầu Thừa phát lại lập vi bằng việc “mua hàng hóa”; Lập vi bằng về hiện trạng hàng hóa của mình và của “đối thủ”: mẫu mã, kiểu dáng, phông chữ, bao bì, tên gọi giống hoặc gần giống đến mức gây nhầm lẫn với hàng hóa của doanh nghiệp.
  • Ghi nhận giá bán hàng hóa: Yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng việc “mua hàng hóa”, giá niêm yết, giá bán thực tế để chứng minh chủ thể vi phạm về giá (giá thấp hơn giá thành toàn bộ, giá thấp hơn mức giá thỏa thuận được bán ra thị trường…)
  • Ghi nhận các hoạt động khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh: Yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận việc “tham gia chương trình khuyến mại”, được hưởng ưu đãi về giá để chứng minh chủ thể vi phạm về giá (giá thấp hơn mức giá thỏa thuận được bán ra thị trường, giá thấp hơn giá được quy định khi thực hiện chương trình khuyến mại…)

Trong phạm vi bài viết liên quan đến dạng vi bằng “lấy mẫu”, chúng tôi còn tạo lập chứng cứ để giúp bạn đề phòng những rủi ro trong tương lai hoặc phục vụ trong quan hệ với bên thứ 3 trong một số tình huống như:

  • Ghi nhận sự kiện bày bán hàng giả, hàng kém chất lượng: Yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận “việc mua hàng”, gửi hàng hóa đi giám định để chứng minh cửa hàng bày bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
  • Ghi nhận sự kiện lấy mẫu ngẫu nhiên tại xưởng sản xuất hàng hóa, gửi mẫu hàng hóa đi giám định để chứng minh chất lượng hàng hóa.
  • Ghi nhận sự kiện lấy mẫu, gửi mẫu đi giám định đối với phần được lưu giữ lại trong quá trình sản xuất hàng hóa (thực phẩm) hoặc mẫu được lưu giữ lại của các đơn vị phục vụ bữa ăn (bếp ăn công nghiệp, nhà trẻ, công ty, xí nghiệp, cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống…) trong trường hợp có tranh chấp về chất lượng thực phẩm, ngộ độc thực phẩm…
  • Ghi nhận sự kiện lấy mẫu sinh học để gửi đi giám định nhằm xác định quan hệ huyết thống.
  • Ghi nhận sự kiện lấy mẫu nước để gửi đi giám định nhằm xác định mức độ ô nhiễm.
  • Một số dạng vi bằng lấy mẫu khác, phục vụ việc chứng minh trong quan hệ dân sự theo quy định của pháp luật.

Hình ảnh Thừa phát lại đang chứng kiến việc lấy mẫu sản phẩm vật liệu xây dựng

Giá trị pháp lý

“Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật” – Điều 36, Nghị định 08/2020 về Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

Vi bằng “lấy mẫu” có giá trị là nguồn chứng cứ, chứng minh việc lấy mẫu chính xác, trung thực và khách quan, làm cơ sở để thực hiện giao dịch, để giải quyết các tranh chấp dân sự (nếu có).

Thủ tục lập vi bằng

Bước 1. Liên hệ với Văn phòng Thừa phát lại để được tư vấn và báo phí

Quý khách có thể liên hệ với Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn để yêu cầu tư vấn về tình huống của mình. Quý khách có thể yêu cầu ký hồ sơ tại Văn phòng hoặc tại địa chỉ nhà riêng. Văn phòng Thừa phát lại sẽ dựa trên khối lượng công việc và nội dung cần ghi nhận để đưa ra một mức phí phù hợp nhất cho Quý khách.

Quý vị có thể liên hệ với Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn qua các kênh:

Hotline: 0834.112.115

Email: [email protected]

Website: thuaphatlaisaigon.vn

Facebook: facebook.com/vanphongthuaphatlai

Bước 2. Tiến hành ghi nhận ghi nhận các nội dung cần thiết

Sau khi Quý khách và Văn phòng thống nhất chi phí, chúng ta sẽ lên lịch hẹn và địa điểm để tiến hành việc lập vi bằng. Văn phòng sẽ cử Thừa phát lại tiến hành ghi nhận các nội dung mà Quý khách yêu cầu theo lịch đã hẹn.

Bước 3. Nhận kết quả và thanh lý hồ sơ

Sau khi ghi nhận nội dung theo yêu cầu, Văn phòng sẽ tiến hành hoàn thiện vi bằng và thực hiện thủ tục đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh. Thông thường, chúng tôi cần 03 ngày làm việc để trả kết quả đến khách hàng, nếu Quý khách đang trong tình huống gấp rút cần ngay kết quả thì có thể trao đổi để Văn phòng có thể hỗ trợ hết sức.

Bạn cần tư vấn?

Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!