VI BẰNG TRÍCH XUẤT DỮ LIỆU ĐIỆN TỬ

Chủ nhật, 12/09/2021, 10:19 GMT+7

Hiện nay, các phương thức trao đổi thông tin diễn ra khá đa dạng, bao gồm: trao đổi trực tiếp, trao đổi qua thiết bị di động và trao đổi qua mạng internet thông qua ứng dụng hỗ trợ. Những thông tin, dữ liệu hình thành qua các cuộc trao đổi này rất quan trọng, cần được lưu giữ lại để làm bằng chứng nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan. Nắm bắt được nhu cầu của xã hội hiện nay về việc tạo lập chứng cứ liên quan đến các dữ liệu điện tử, chúng tôi xin đưa ra một số tình huống mà Quý bạn đọc có thể lựa chọn phương án lập vi bằng nhằm xác lập chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật, bảo vệ tối ưu quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong các giao dịch dân sự khác:

Một là, dữ liệu điện tử là các tập tin ghi hình (video).

Ví dụ: Trong quá trình trao đổi với nhau về việc cam kết thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư mà các bên đã ký kết, ông A và ông B có quay phim lại toàn cảnh buổi làm việc này bằng điện thoại di động của ông A. Trong tình huống này, ông A có thể yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận việc trích xuất đoạn quay phim trên từ điện thoại của mình để lưu giữ làm bằng chứng sau này.

Hai là, dữ liệu điện tử là các tập tin ghi âm.

Ví dụ: Trước đây bà C có vay của bà D số tiền là 100.000.000 đồng, tuy nhiên đã hết thời hạn cho vay nhưng bà C cố tình trốn tránh và trì hoãn việc trả nợ. Do đó, bà D gọi điện thoại để nhắc nhở bà C trả nợ cũng như xác nhận số tiền nợ gốc và lãi mà bà C phải trả. Trong quá trình hai bên trao đổi bằng điện thoại, bà D đã tiến hành ghi âm hội thoại cuộc gọi này. Trong tình huống này, bà D có thể yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận việc trích xuất nội dung ghi âm cuộc gọi với bà C từ điện thoại của mình để lưu giữ làm bằng chứng sau này.

Ba là, dữ liệu điện tử là các tập tin lưu trữ hình ảnh từ camera quan sát.

Ví dụ: Do mâu thuẫn cá nhân với nhau, vào lúc trời tối ông E đã đến trước cửa nhà ông G để tạt sơn nước và có những hành vi phá hoại tài sản ở đây. Những hành động này của ông E đã bị camera quan sát nhà ông G ghi nhận lại. Trong tình huống này, nhằm tạo lập chứng cứ để chứng minh việc ông E đã phá hoại tài sản nhà mình, ông G có thể yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận việc trích xuất dữ liệu ghi hình từ camera quan sát của nhà mình để cung cấp cho các cơ quan chức năng nhằm xử lý hành vi vi phạm của ông E theo quy định của pháp luật.

Bốn là, dữ liệu điện tử là tin nhắn trên điện thoại di động.

Ví dụ: Do bận việc đột xuất, bà H đã không thể đến văn phòng công chứng để ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với bà K theo lịch hẹn của hai bên. Do liên lạc bằng điện thoại với bà K không được, nên bà H đã nhắn tin cho bà K về sự việc trên và đề nghị hai bên thực hiện công việc vào thời gian khác. Trong tình huống này, bà H có thể yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận nội dung tin nhắn gửi cho bà K trên điện thoại của mình để lưu giữ làm bằng chứng, chứng minh việc bà H không cố ý vắng mặt cũng như vẫn có thiện chí tiếp tục thực hiện việc mua bán với bà K để xác định không có căn cứ vi phạm thỏa thuận.

Năm là, các dữ liệu điện tử khác theo yêu cầu của khách hàng mà Thừa phát lại có thể hỗ trợ lập vi bằng để xác lập chứng cứ theo quy định của pháp luật.

Hình ảnh minh họa

Giá trị pháp lý của Vi bằng:

Vi bằng trích xuất dữ liệu điện tử có giá trị là nguồn chứng cứ, chứng minh các dữ liệu này có tồn tại trên thực tế tại thời điểm lập vi bằng. Vi bằng là giải pháp hữu ích nhất giúp khách hàng truyền tải nội dung, dữ liệu trên các thiết bị điện tử trở thành tài liệu đọc được, lưu giữ chúng thành những tư liệu để khách hàng tạo lập bằng chứng, củng cố hồ sơ pháp lý khi có tranh chấp phát sinh liên quan đến giao dịch của mình, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân trong trường hợp phải đối trọng với bên còn lại. Không những thế, Vi bằng còn là nguồn chứng cứ để Toà án xem xét và giải quyết thấu tình đạt lý khi tranh chấp đó được yêu cầu giải quyết tại toà.

Thủ tục lập Vi bằng:

Bước 1. Liên hệ với Văn phòng Thừa phát lại để được tư vấn và báo phí

Quý khách có thể liên hệ với Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn để cung cấp hồ sơ và yêu cầu tư vấn về tình huống của mình. Sau khi tiếp nhận yêu cầu của Quý khách, Thừa phát lại sẽ tư vấn, hướng dẫn cách thức lập vi bằng, thông báo phí lập vi bằng và tiến hành ký kết hợp đồng dịch vụ.

Quý khách có thể liên hệ với Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn qua các kênh:

Hotline: 0834.112.115

Email: [email protected]

Website: thuaphatlaisaigon.vn

Facebook: facebook.com/vanphongthuaphatlai

Bước 2. Tiến hành lập vi bằng trích xuất dữ liệu điện tử

Tại thời điểm ký kết hợp đồng dịch vụ, Quý khách thông báo về thời gian và địa điểm cụ thể sẽ tiến hành việc lập vi bằng. Sau đó, văn phòng sẽ cử Thừa phát lại và thư ký nghiệp vụ đến đúng theo lịch hẹn đã thống nhất để tiến hành lập vi bằng trích xuất dữ liệu điện tử theo yêu cầu của Quý khách.

Bước 3. Nhận kết quả và thanh lý hồ sơ

Sau khi ghi nhận nội dung theo yêu cầu, Văn phòng sẽ tiến hành hoàn thiện vi bằng và thực hiện thủ tục đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh. Thông thường, chúng tôi cần 03 ngày làm việc để trả kết quả đến khách hàng, nếu Quý khách đang trong tình huống gấp rút cần ngay kết quả thì có thể trao đổi để Văn phòng có thể hỗ trợ hết sức.

Bạn cần tư vấn?

Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!